Trong xu thế thị trường hiện nay, dường như các bạn đọc đã không còn mặn mà với văn học hiện đại nước nhà như trước đây nữa. Văn học Việt Nam giờ đây bị gói gọn trong vài ba đống giấy lộn Ai rồi cũng khác, Buồn làm sao buông hay Thành kỳ ý, hoặc thơ Nguyễn Phong Việt, Phan Huyền Thư,… Đã lâu rồi, người ta quên nhắc đến Hồn bướm mơ tiên, Vang bóng một thời, Thương nhớ mười hai,… Cũng đã lâu rồi, người ta không đọc thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Đinh Hùng, Bích Khê,… Các bạn trẻ đa phần chỉ biết đến những tác phẩm ấy hoặc những đoạn trích được giảng dạy trong trường học, nhưng lại biết với tâm lí bị ép phải đọc để kiểm tra. Chúng tôi xin giới thiệu đến những độc giả muốn tìm hiểu về văn chương Việt Nam hiện đại, hoặc những ai cũng đang tiếc thương cho một thời quá vàng, danh sách Những cuốn sách giúp bạn hiểu rõ hơn về văn học Việt Nam hiện đại.
- Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh & Hoài Chân)
Thi nhân Việt Nam vẫn luôn đánh giá cao trong phê bình Thơ Mới. Bài tiểu luận Một thời đại trong thi ca đã điểm mặt đặt tên cho tất cả những nhà thơ được Hoài Thanh & Hoài Chân yêu thích. Với Thi nhân Việt Nam, hai nhà phê bình đã tự xác lập một chuẩn mực thẩm mĩ cho cá nhân, đồng thời cũng tác động đến hệ chuẩn mực của biết bao thế hệ từng yêu thích các thi nhân Việt Nam và thơ Việt Nam hiện đại. Chuẩn mực đó là những gì mà Hoài Thanh, Hoài Chân cho là nhẹ nhàng, tinh tế nhất được bộc lộ thông qua Lời kỹ nữ, Nguyệt cầm, hay lời tự sự của cô bé theo mẹ đi chùa Hương trong thơ Nguyễn Nhược Pháp. Nét tinh tế ấy vừa là sự kế thừa của truyền thống trước đó, lại vừa là một nét khác biệt của lớp người mới được đi giày Tây, học sách Tây và tiếp xúc nhiều hơn với văn hóa phương Tây.
Trích đoạn:
“Đời chúng ta nằm trong vòng chữ Tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngẩn ngơ buồn trở về hồn ta cùng Huy cận. Cả trời thực, trời mộng vẫn neo neo theo hồn ta.”
- Vũ trụ thơ (Đặng Tiến)
Vũ trụ thơ là đầu sách duy nhất của Đặng Tiến, được in vào đầu năm 1972. Nếu ngày nay, trong các trường đại học giảng dạy chuyên ngành ngữ văn hay văn học, các sinh viên đều buộc phải tìm một hệ thống lí thuyết hoặc một cơ sở lí luận khoa học nào đó để áp vào phân tích, phê bình thì Đặng Tiến lại đi từ tư liệu và triết học để hiểu về tác phẩm và tác giả. Các bài viết của ông vì thế mà vừa nhẹ nhàng, lại vừa có sự thâm trầm trong suy tư. Đặc biệt, Đăng Tiến không coi thơ là câu chữ, không coi nhà thơ là người viết. Đối với ông, những bài thơ đã kết tinh lại thành cả một vũ trụ rộng lớn, thực tại trong thơ chính là sự phóng chiếu của thực tại trong tâm trí tác giả Bởi vậy cho nên, đọc thơ không chỉ còn là để thấu cảm, mà còn là để từng bước tiếp cận vào thế giới mà kẻ sáng tạo kia đang ngày ngày đẽo gọt thành hình.
Trích đoạn:
“Một trang sách vật lý được xem như điển hình của văn xuôi khi tả ngoại giới. Một trang sách tâm lý được xem như điển hình của văn xuôi khi tả ngoại giới. Trong khi đó, thơ chỉ mượn ngoại giới, hay tâm giới những yếu tố để nhào nặn thành một thế giới mới tạm gọi là thi giới, có lúc tôi gọi là vũ trụ thơ. Nói khác đi, thơ thừa nhận sự vật sẵn có, mà không thừa nhận quan hệ sẵn có giữa sự vật; thơ chỉ gọi tên của sự vật ngoại giới để tạo nên một vũ trụ mới, bằng cách cấu trúc quan hệ mới giữa sự vật đã cũ”.
- Mắt thơ – Phê bình phong cách Thơ Mới (Đỗ Lai Thúy)
Mắt Thơ là cuốn phê bình thơ ca thời Thơ Mới mà bất cứ sinh viên, nghiên cứu sinh, và những người yêu thơ nào cũng nên có. Cuốn sách đi sâu vào thế giới thơ của những nhà thơ tiêu biểu của thời kỳ vàng son của văn chương Việt Nam 1930-1945. Với Mắt Thơ, Đỗ Lai Thúy nhìn Thơ Mới dưới góc độ của từng cái tôi, hay chính là “người thơ trong mắt thơ” theo cách ông nói. Những “người thơ trong mắt thơ” ấy lại được đặt vào trong bức tranh toàn cảnh sự chuyển biến của lịch sử, xã hội, văn hóa, tư tưởng, để rồi được đặt lên bàn giải mã cho kỳ hết ý. Cái đặc biệt của Mắt Thơ là ở chỗ, Đỗ Lai Thúy dùng lí luận để phân tích và hiểu thơ nhưng lại không hề làm thơ và người mất đi ý vị!
Trích đoạn:
“Nền văn minh nông nghiệp của xã hội Việt Nam cổ truyền chỉ có thể sản sinh ra được cái tôi tập đoàn. Cái tôi cá nhân ra đời trên cơ sở nền văn minh công nghiệp. Chính sự tiếp xúc với phương Tây đã bắt đầu hình thành ở Việt Nam một nền văn hóa đô thị bên cạnh nền văn hóa nông thôn cổ truyền. Thơ Mới là tiếng nói của tầng lớp trí thức đô thị mới xuất hiện”
- Thơ như là mỹ học của cái khác (Đỗ Lai Thúy)
Từ trước đến nay, có phần lớn người đọc cho rằng thơ chỉ là sản phẩm ngắn hạn, đọc để thỏa mãn cơn cảm xúc nhất thời đang lên; hoặc coi thơ là phương tiện để nhà thơ giải tỏa nhu cầu tâm lí của chính họ. Đó vốn là cách hiểu vô cùng nông cạn về thơ. Trong tập chuyên luận Thơ như là mỹ học của cái khác, nhà phê bình Đỗ Lai Thúy đã khẳng định giá trị của thơ bằng việc đặt thơ trong bối cảnh của lí thuyết nền tảng. Quan niệm triết mỹ về cái Khác của thơ được thể hiện thông qua sự thay đổi một cách đồng bộ của nhận thức luận thế giới hiện đại về cái Khác (Otherness) từ vật lý, triết học, mỹ học, nhân học… và nghệ thuật. Với tính chất lý thuyết, là đại đồ hình tư duy cho toàn bộ quyển sách, và rộng ra, là số phận thơ.
Trích đoạn:
“Trên kia là quan niệm về cái Khác theo nghĩa rộng. Áp dụng vào thơ, đặc biệt thơ Việt, cái Khác còn thêm một số thuộc tính cụ thể hơn. Thơ, trước kia, là một tổ chức ngôn ngữ đặc biệt, không bình thường so với văn xuôi, nhất là với lời ăn tiếng nói hàng ngày. Bởi thế, thơ, tự thân nó, đã là một cái Khác. Cái Khác này đồng nghĩa với cái tiểu ngạch (nhỏ, lẻ, phụ), cho nên luôn có nguy cơ bị cái chính ngạch (to lớn, đồng bộ, chính thức) đồng hóa. Cho nên, cái Khác, một mặt phải chống lại sức hút của quyền lực trung tâm của cái chính thống và chính thức để bảo vệ sự tồn tại độc lập của mình. Mặt khác, nó phải chống lại chính bản thân nó. Bởi lẽ, cái Khác, sau một thời gian bị nghi kị, ghẻ lạnh, bắt đầu được chấp nhận, rồi quảng diễn ra đại chúng, thì đã trở thành quen mòn, không còn là khác nữa. Vì thế, để bảo vệ mình mãi là một cái Khác, thơ trong tiến trình của nó, phải luôn luôn đổi khác.”
- Những cạnh khía của lịch sử văn học (Đỗ Lai Thúy chủ biên)
Những cạnh khía của lịch sử văn học ghi lại tiến trình lịch sử văn học Việt Nam thế kỉ XX. Tuy nhiên, mốc thời gian “thế kỉ XX” lại là một khái niệm tương đối và không thật sự trùng khớp với thời gian biên niên. Cuốn sách là tập hợp những bài viết của các nhà nghiên cứu văn học có chuyên môn sâu về văn học Việt Nam, được soi chiếu trong nhiều khía cạnh khác nhau.
Với 7 bài tiểu luận, nhóm tác giả đã cung cấp cho người đọc những cách tiếp cận tuy không còn “hot” những vẫn giữ nguyên vẹn sự độc đáo khi áp dụng vào lịch sử văn học Việt nam, đồng thời từ đó giúp bạn đọc thấy sự chuyển dịch xu hướng của văn chương Việt Nam từ hiện đại đến đương đại.
Trích đoạn:
“Thực tế, cuộc tranh luận về cái “cấm kỵ”, cái xấu của đối tượng nghệ thuật, mà sau đó là lời tuyên bố muốn “tiểu thuyết là sự thực ở đời” được xiển dương khắp nơi, có mối quan hệ chặt chẽ với cuộc tranh luận về vai trò và bản chất nghệ thuật như một mối ưu tư đối với giới nghệ sĩ đương thời nói riêng và giới trí thức nói chung”
Cáo Hà Thành