"Những ngày thơ ấu", "Lạnh lùng", "Gánh hàng hoa" và "Sợi tóc" được chọn in lại, tiếp nối bộ sách "Việt Nam danh tác".
Ngày 15/1, Nhã Nam tổ chức tọa đàm ra mắt sách tại thư viện Viện Pháp, Hà Nội. Chương trình có sự góp mặt của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, tiến sĩ Mai Anh Tuấn và biên tập viên Đào Lê Tiến Sỹ - người biên tập bộ sách.
Nội dung bốn quyển theo đúng bản gốc của NXB Đời Nay. Hồi ký Những ngày thơ ấu (Nguyên Hồng) tái hiện kỷ niệm tuổi thơ của tác giả, cay đắng nhưng lấp lánh niềm vui. Lạnh lùng - Nhất Linh viết, là câu chuyện về một góa phụ trẻ, khát khao yêu đương nhưng bị trói buộc trong nghĩa vụ thủ tiết thờ chồng. Tiểu thuyết Gánh hàng hoa (Khái Hưng - Nhất Linh) kể về chuyện tình của ba bạn trẻ ở trại Hàng Hoa, Hà Nội. là tác phẩm đi đầu chủ trương cổ vũ lối văn chương mới của Tự lực văn đoàn. Tập Sợi tóc được xuất bản lần đầu năm 1942. Truyện ngắn của Thạch Lam nhẹ nhàng, giàu tính trữ tình và chứa đựng trăn trở sâu sắc về con người, thời thế.
Bên cạnh đó, văn bản trong các tác phẩm được sửa phù hợp với quy tắc chính tả hiện nay. Trong Những ngày thơ ấu, người biên tập dùng "theo dõi" để thay "theo rõi", từ "trầy trật" thế cho "chầy chật"... Ở Lạnh lùng, các từ "rồn rập", "sồng sộc" được thay lần lượt là "dồn dập", "xồng xộc". Đối với Gánh hàng hoa, "trắng sóa" đổi thành "trắng xóa", "giòng" thay bằng "dòng"... Một số từ trong Sợi tóc như "chôi chảy", "dương mắt" được chuyển thành "trôi chảy", "giương mắt"...