Không gian nghệ thuật trong 'Sách Tết Tân Sửu'

Người đăng: admin | 05/02/2021

"Sách Tết Tân Sửu" gồm 27 bài viết, 15 bài thơ, sáu bài bình luận cùng nhiều hình ảnh minh họa nét đẹp đầu xuân.

Tác phẩm đem đến những câu chuyện vui ngày xuân, cũng như điểm lại nghệ thuật Việt ở bốn thể loại: văn, thơ, nhạc, họa. Tiền thân của Sách Tết là Tập Sách Xem Tết - NXB Tân Dân Thư Quán ra mắt lần đầu hơn 90 năm trước. Ra mắt dịp cuối năm, Sách Tết là diễn đàn để các văn sĩ bàn luận thơ văn, nhắc lại chuyện xưa, tích cũ.
Mở đầu là Khúc dạo đầu của mùa xuân - gợi lên ký ức về Tết trong nhiều bối cảnh. Nỗi nhớ về cái Tết thơ ấu ở miền quê nghèo trong Tết xứ mưa của Phạm Duy Nghĩa, là không khí nô nức khi các tân khoa vinh quy bái tổ trong Tân Sửu vinh quy của Đạt Nhân. Còn Uông Triều cho rằng Tết nằm trong "miếng rươi thấm đẫm hương vị quê nhà, thấy cả cái tình của người mẹ hiền". Tác giả Hoàng Gia Cương kể về phiên chợ Tết - cũng là chợ "cầu may" để gặp bạn tình độc đáo của người dân tộc. Trong đêm xuân "lời trao lời, mắt tìm mắt, những tâm hồn trong sắc như nước suối mùa xuân đi tìm dòng chảy của mình", những đôi trai gái trao duyên bằng câu hát sli, làn điệu đặc trưng của dân tộc Nùng, lượn âm vang núi rừng.

Thêm vào đó, sách tập hợp những bài viết dí dỏm về chuyện văn chương. Dựa trên sự trùng tên truyện Con Trâu của Trần Tiêu và Nguyễn Văn Bổng, tác giả Yên Ba đúc kết loài vật này gắn liền với sự lam lũ, nhọc nhằn, kiên cường đối mặt hiểm nguy. Hay Nguyễn Huy Thiệp đối thoại một mình, tự hỏi, tự trả lời những tâm sự của ông về nghề viết văn.

Các tên tuổi như Ma Văn Kháng, Mạc Can, Nguyễn Trí... trở lại với các tác phẩm thể hiện sự suy tư trước thời đại. Hồ Anh Thái cảm thán về lối sống của những người con xa xứ. Trong truyện Ẩm thực và văn chương, người Việt thường ngại tiếp cận nền ẩm thực nước ngoài, chỉ "khư khư bám giữ những gì cố hữu của mình". Để nhanh chóng hòa nhập vào nền văn hóa thế giới, tác giả mong con người biết hòa nhập, trải nghiệm các lối sống khác biệt để nâng tầm nhận thức. Từ chuyện ăn uống, anh bàn đến chuyện văn chương: cần khán giả, nhà phê bình tiếp nhận một cách cởi mở để nghệ thuật không lạc hậu. Tuy giọng văn mang nỗi buồn bàng bạc, câu chuyện lóe lên tia hy vọng, như chồi non chực đơm hoa khi nắng xuân chiếu đến.

Tác giả trẻ - Nghiêm Lương Thành gửi gắm hy vọng tìm thấy tự do qua nhân vật Soái Kê trong Đường bay mong ước. Còn Phạm Thị Thanh Mai khắc họa người vợ "loanh quanh xuân hạ thu đông" để buôn bán, không có thời gian nghĩ đến bản thân.

Phần Họa mở đầu với họa sĩ Thành Chương - người luôn xem con trâu là niềm cảm hứng sáng tác lớn nhất. Yêu quý nét đẹp đời sống như cái cày, đồng lúa, anh mong muốn dùng tài năng của mình để khắc họa một phần tinh hoa đất nước. Ngoài ra, sách còn kể chuyện nghệ thuật ở phương Tây như các sự tích trong bài Những kiệt tác ở... dưới tầng hầm. Còn hội họa Việt Nam nhắc đến phường tranh Đông Hồ dân gian - hầu như bán đắt hàng tại các phiên chợ Tết vào tháng Chạp.

Trong phần Nhạc, sách gồm những bài cảm nhận về các tác phẩm nổi tiếng: Mùa xuân gọi (tác giả Trần Tiến), Mùa xuân đầu tiên (tác giả Văn Cao)...Ở mảng thơ, người đọc có thể tiếp cận những giọng thơ trẻ, trong trẻo như Hữu Việt, Dương Huy, Y Phương, Hồ Khải Hoàn...Các tác giả đa số làm thơ về đề tài tình yêu, cuộc sống được đặt trong bối cảnh đầu xuân như bài Mùa xuân đỏng đảnh, Ngày đầu năm, Khu vườn, Tháng Giêng...

Thảo luận về chủ đề này